Kê khai hóa đơn điều chỉnh, hóa đơn thay thế

Hướng dẫn từ một số cơ quan thuế địa phương rằng hóa đơn điều chỉnh, thay thế được lập theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ về Hóa đơn, chứng từ phải được kê khai bổ sung điều chỉnh vào kỳ tính thuế đã kê khai hóa đơn có sai sót.

Để làm rõ hơn yêu cầu về kê khai điều chỉnh trên, Cục thuế Tp. Hà Nội tại Công văn số 62542 đưa ra ý kiến rằng hóa đơn điều chỉnh, hóa đơn thay thế dẫn đến hồ sơ khai thuế GTGT đã nộp có sai, sót. Do đó doanh nghiệp thực hiện kê khai bổ sung cho từng tờ khai thuế có sai, sót theo quy định tại Điều 47, Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13 tháng 6 năm 2019 của Quốc hội và khoản 4, Điều 7, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ.(1)

(1)Theo Công văn số 3884/CTBNI-TTHT ngày 29 tháng 11 năm 2022 do Cục thuế Tỉnh Bắc Ninh ban hành và Công văn số 62542/CTHN-TTHT ngày 16 tháng 12 năm 2022 do Cục thuế Tp. Hà Nội ban hành.

 

Thuế GTGT đối với hàng bán trả lại, chiết khấu thương mại chi trả cuối kỳ và hóa đơn điều chỉnh hóa đơn sai sót liên quan đến hàng hóa thuộc đối tượng được giảm thuế GTGT theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP (Nghị định 15) ngày 28 tháng 1 năm 2022 của Chính phủ

Đối với hàng hóa thuộc đối tượng giảm thuế GTGT theo Nghị định 15 đã bán trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 12 năm 2022, nếu:

  • Phát sinh giao dịch trả lại hàng trong năm 2023 thì hóa đơn trả lại hàng được lập theo mức thuế suất thuế GTGT áp dụng trên hóa đơn mua hàng do người bán đã lập trước đó.
  • Phát sinh khoản thanh toán chiết khấu thương mại mà khoản chiết khấu được lập hóa đơn khi chương trình chiết khấu kết thúc trong năm 2023, thì khoản chiết khấu thương mại trên hóa đơn điều chỉnh lập trong năm 2023 được áp dụng mức thuế suất thuế GTGT giảm tính trên các hóa đơn được áp dụng chiết khấu đã được lập với mức thuế suất 8% và lập trước ngày 1 tháng 1 năm 2023.
  • Phải điều chỉnh cho hóa đơn đã lập trước ngày 1 tháng 1 năm 2023 cho hàng hóa được giảm thuế GTGT theo Nghị định 15, hóa đơn điều chỉnh cho các hóa đơn đã lập này được áp dụng thuế suất giảm. (2)

(2) Tham khảo tại Công văn số 313/CTTPHCM-TTHT ngày 11 tháng 1 năm 2023 do Cục thuế Tp. Hồ Chí Minh ban hành

 

Ưu đãi đối với dự án đầu tư mới trong khu công nghiệp có thay đổi nội dung đăng ký đầu tư nhằm điều chỉnh bổ sung thêm ngành nghề đăng ký kinh doanh

Theo Cục thuế Tỉnh Bắc Ninh tại Công văn số 206/CTBNI-TTHT ngày 18 tháng 1 năm 2023, dự án đầu tư mới thực hiện tại khu công nghiệp (KCN) (KCN trừ KCN thuộc đô thị loại đặc biệt, loại I trực thuộc trung ương và KCN thuộc đô thị loại I trực thuộc tỉnh) được ưu đãi về thời gian miễn giảm thuế TNDN có thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhằm điều chỉnh bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh, nếu sự thay đổi đó là:

  • Khi dự án đang trong giai đoạn đầu tư, chưa đi vào hoạt động, doanh nghiệp chưa phát sinh doanh thu từ dự án đó, thì ngành nghề bổ sung có thể được xác định là ngành nghề kinh doanh của dự án đầu tư lần đầu. Do đó, thu nhập từ ngành nghề bổ sung đó phát sinh tại địa bàn ưu đãi thuế được hưởng ưu đãi thuế TNDN.
  • Khi dự án đầu tư đã đi vào hoạt động và doanh nghiệp không tăng vốn, không thực hiện đầu tư mở rộng để tăng tài sản thì thu nhập từ ngành nghề bổ sung không được hưởng ưu đãi thuế TNDN.

 

Nghĩa vụ thuế đối với thù lao của cá nhân thực hiện hợp đồng dịch vụ

Nghĩa vụ thuế đối với thù lao của cá nhân thực hiện hợp đồng dịch vụ được xác định căn cứ vào tình trạng đăng ký kinh doanh của cá nhân. Cụ thể:

  • Nếu cá nhân nhận thù lao không đăng ký kinh doanh, thù lao nhận được được xem là có tính chất tiền lương tiền công. Tổ chức chi trả thu nhập căn cứ vào quy định tại Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15 tháng 8 năm 2013 của Bộ Tài chính và tiến hành khấu trừ thuế TNCN theo biểu thuế lũy tiến đối với trường hợp hợp đồng dịch vụ ký với cá nhân có thời hạn trên 3 tháng hoặc khấu trừ 10% đối với khoản chi trả từ 2.000.000 đồng/lần trở lên nếu thời hạn của hợp đồng dưới 3 tháng.
  • Nếu cá nhân nhận thù lao có đăng ký kinh doanh thì thù lao cá nhân nhận được khi thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ được xác định là thu nhập từ hoạt động kinh doanh, cá nhân nhận thu nhập tự xác định số thuế phải nộp và thực hiện thủ tục kê khai và nộp thuế theo hướng dẫn tại Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 1 tháng 6 năm 2021 của Bộ Tài chính. (3)

(3) Theo Công văn số 8205/CTHN-TTHT ngày 28 tháng 2 năm 2023 do Cục thuế Tp. Hà Nội ban hành.

 

Thuế nhà thầu nước ngoài đối với công việc cung cấp vật tư, thiết bị trong hợp đồng thầu

Theo Thông tư 103/2014/TT-BTC ngày 6 tháng 8 năm 2014 của Bộ Tài chính, trong trường hợp hợp đồng nhà thầu tách riêng giá trị từng hoạt động kinh doanh thì từng phần giá trị công việc theo hợp đồng được áp dụng tỷ lệ % thuế TNDN trên doanh thu tương ứng với hoạt động kinh doanh đó.

Liên quan đến vấn đề trên, ngày 15 tháng 11 năm 2022, Tổng Cục thuế ban hành Công văn số 4223/TCT-CS hướng dẫn thêm rằng sẽ chưa có sở để áp dụng tỷ lệ 1% để tính thuế TNDN trên doanh thu từ việc cung cấp vật tư, thiết bị trong trường hợp hợp đồng thầu, hóa đơn và chứng từ thanh toán không quy định chi tiết số lượng, đơn giá và giá trị của từng loại vật tư, máy móc, thiết bị gắn với hạng mục thi công xây dựng. Trường hợp này do đó có thể sẽ được áp dụng tỷ lệ tính thuế TNDN khác.

Do đó, trong trường hợp có liên quan, doanh nghiệp cần quy định chi tiết số lượng và giá trị hoạt động cung cấp vật tư, thiết bị trong hợp đồng thầu mà hợp đồng thầu bao gồm nhiều hoạt động kinh doanh. Việc quy định chi tiết nhằm tạo cơ sở xác định tỷ lệ tính thuế TNDN khi xác định thuế nhà thầu nước ngoài phát sinh.

 

Khoản chi hỗ trợ gián tiếp không được trừ khi tính thuế TNDN đối với doanh nghiệp chi hỗ trợ

Tổng Cục thuế tại Công văn số 786/TCT-CS ngày 20 tháng 3 năm 2023 (Công văn 786) đưa ra quan điểm rằng chưa có cơ sở để xác định chi phí liên quan đến một số khoản hỗ trợ gián tiếp được trừ cho mục đích tính thuế TNDN. Các khoản hỗ trợ gián tiếp được nêu tại Công văn 786 gồm:

  • Khoản hỗ trợ đạt doanh số chi trả thông qua nhà phân phối (NPP) đến khách hàng của NPP mà doanh nghiệp không bán hàng trực tiếp đến khách hàng này.
  • Chi hỗ trợ thưởng bằng tiền cho nhân viên bán hàng của NPP không phải là nhân viên của doanh nghiệp.

Do đó, doanh nghiệp cần lưu ý hướng dẫn trên khi xác định chi phí được trừ liên quan đến hỗ trợ gián tiếp nêu trên.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần phải lưu ý nghĩa vụ khấu trừ thuế TNCN đối với các khoản thanh toán bằng tiền cho nhân viên NPP.

 

Quyết định số 11/2023/QĐ-TTG Quy Định Mức Giao Dịch Có Giá Trị Lớn Phải Báo Cáo

Ngày 27/04/2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 11/2023/QĐ-TTg quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo.

Theo đó, kể từ ngày 01/12/2023, mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là từ 400 triệu đồng trở lên. (Theo Quyết định số 20/2013/QĐ-TTg đang còn hiệu lực đến ngày 30/11/2023 quy định mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là từ 300 triệu đồng trở lên)

Quyết định số 11/2023/QĐ-TTg quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định tại Khoản 2, Điều 25 của Luật Phòng chống rửa tiền.

Đối tượng áp dụng: là tổ chức, cá nhân quy định tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều 4 Luật Phòng chống rửa tiền số 14/2022/QH15 ngày 15/11/2022.

Theo Khoản 1, Điều 4 Luật Phòng chống rửa tiền:

Đối tượng báo cáo là tổ chức tài chính được cấp giấy phép thực hiện một hoặc một số hoạt động sau đây: Nhận tiền gửi; Cho vay; Cho thuê tài chính; Dịch vụ thanh toán; Dịch vụ trung gian thanh toán; Phát hành công cụ chuyển nhượng, thẻ ngân hàng, lệnh chuyển tiền; Bảo lãnh ngân hàng, cam kết tài chính; Cung ứng dịch vụ ngoại hối, các công cụ tiền tệ trên thị trường tiền tệ; Môi giới chứng khoán; Tư vấn đầu tư chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán; Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; Quản lý danh mục đầu tư chứng khoán; Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ; Đổi tiền.

Theo Khoản 2, Điều 4 Luật Phòng chống rửa tiền:

Đối tượng báo cáo là tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan theo quy định của pháp luật thực hiện một hoặc một số hoạt động sau đây: Kinh doanh trò chơi có thưởng, bao gồm: trò chơi điện tử có thưởng; trò chơi trên mạng viễn thông, mạng Internet; casino; xổ số; đặt cược; Kinh doanh bất động sản, trừ hoạt động cho thuê, cho thuê lại bất động sản và dịch vụ tư vấn bất động sản; Kinh doanh kim khí quý, đá quý; Kinh doanh dịch vụ kế toán; Cung cấp dịch vụ công chứng; cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư; Cung cấp dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp; Cung cấp dịch vụ giám đốc, thư ký công ty cho bên thứ ba; cung cấp dịch vụ thỏa thuận pháp lý.

Quyết định số 11/2023/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2023 và thay thế Quyết định số 20/2013/QĐ-TTg ngày 18/04/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo.

 

Điểm Mới Thông Tư 23/2023/TT-BTC Về Tính Hao Mòn, Khấu Hao Tài Sản Cố Định Trong Cơ Quan Nhà Nước

Ngày 25/04/2023, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 23/2023/TT-BTC (“Thông tư 23”) hướng dẫn chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

(Thông tư 23/2023/TT-BTC sẽ thay thế thông tư 45/2018/TT-BTC ban hành ngày 07/05/2018)

Sau đây là một số điểm mới của Thông tư 23:

Khung thời gian tính hao mòn tài sản cố định
Trong đó, Thông tư 23 thay đổi thời gian sử dụng và tỷ lệ tính hao mòn với máy photocopy, camera giám sát như sau:

  • Máy photocopy:
    • Thời gian sử dụng máy photocopy: 05 năm (hiện hành theo Thông tư 45/2018/TT-BTC là 8 năm);
    • Tỷ lệ tính hao mòn máy photocopy: 20% (hiện hành là 12,5%).
  • Camera giám sát:
    • Thời gian sử dụng camera giám sát: 05 năm (hiện hành theo Thông tư 45/2018/TT-BTC là 8 năm);
    • Tỷ lệ tính hao mòn camera giám sát: 20% (hiện hành là 12,5%).
  • Định nghĩa tài sản cố định vô hình
    Theo quy định tại Thông tư 23, tài sản cố định vô hình là những tài sản không có hình thái vật chất mà cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đã đầu tư chi phí tạo lập tài sản hoặc được hình thành qua quá trình hoạt động; gồm:
    • Loại 1: Quyền sử dụng đất.
    • Loại 2: Quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả.
    • Loại 3: Quyền sở hữu công nghiệp.
    • Loại 4: Quyền đối với giống cây trồng.
    • Loại 5: Phần mềm ứng dụng.
    • Loại 6: Thương hiệu của đơn vị sự nghiệp công lập.

(Hiện hành, Thông tư 45/2018/TT-BTC còn quy định: Loại 7 (Tài sản cố định vô hình khác)).

  • Những loại tài sản cố định nào không tính hao mòn, khấu hao?

Cụ thể, tại khoản 3 Điều 11 Thông tư 23 quy định về phạm vi tài sản cố định tính hao mòn, khấu hao, trong đó 04 loại tài sản cố định không tính hao mòn, khấu hao gồm:

    • Tài sản cố định là quyền sử dụng đất đối với các trường hợp phải xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính giá trị tài sản quy định tại Điều 100, Nghị định 151/2017/NĐ-CP.
    • Tài sản cố định đặc thù theo quy định;
    • Tài sản cố định đã tính đủ hao mòn hoặc đã khấu hao hết giá trị nhưng vẫn còn sử dụng được;
    • Tài sản cố định chưa tính hết hao mòn hoặc chưa khấu hao hết giá trị nhưng đã hư hỏng không tiếp tục sử dụng được.

So với quy định hiện hành tại Thông tư 45/2018/TT-BTC thì Thông tư 23/2023/TT-BTC bỏ 02 loại tài sản cố định không tính hao mòn, khấu hao là tài sản cố định đang thuê sử dụng và tài sản cố định bảo quản hộ, giữ hộ, cất giữ hộ Nhà nước.

  • Tiêu chuẩn xác định tài sản cố định

Tại Điều 3 Thông tư 23 quy định tiêu chuẩn xác định tài sản là tài sản cố định được quản lý, tính hao mòn, khấu hao tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp khi thỏa mãn 02 điều kiện:

    • Có thời gian sử dụng từ 01 năm trở lên;
    • Có nguyên giá từ 10.000.000 đồng trở lên;

Tuy nhiên đối với tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập thì chỉ được xác định là tài sản cố định khi đáp ứng 02 điều kiện:

    • Có thời gian sử dụng từ 01 năm trở lên;
    • Đáp ứng điều kiện về nguyên giá tài sản cố định theo quy định áp dụng cho doanh nghiệp.
  • Các trường hợp thay đổi nguyên giá tài sản cố định

Tại Điều 9, Thông tư 23, nguyên giá tài sản cố định được thay đổi trong các trường hợp sau:

    • Đánh giá lại giá trị tài sản cố định khi thực hiện kiểm kê theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
    • Thực hiện nâng cấp, mở rộng tài sản cố định theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.
    • Tháo dỡ một hay một số bộ phận tài sản cố định (trong trường hợp giá trị bộ phận tài sản cố định tháo dỡ đang được hạch toán chung trong nguyên giá tài sản cố định).
    • Lắp đặt thêm một hay một số bộ phận tài sản cố định.
    • Tài sản cố định bị mất một phần hoặc hư hỏng nghiêm trọng do thiên tai, sự cố bất khả kháng hoặc những tác động đột xuất khác (trừ trường hợp tài sản đã được khôi phục lại thông qua bảo hiểm tài sản công).
    • Điều chỉnh giá trị quyền sử dụng đất đối với các trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 7 Thông tư 23/2023/TT-BTC theo quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 1 Điều 103 Nghị định 151/2017/NĐ-CP .
  • Bổ sung tài sản cố định theo nguồn gốc hình thành tài sản

Tại khoản 2, Điều 4, Thông tư 23/2023/TT-BTC, tài sản cố định phân loại theo nguồn gốc hình thành tài sản gồm:

    • Tài sản cố định hình thành do mua sắm.
    • Tài sản cố định hình thành do đầu tư xây dựng.
    • Tài sản cố định được giao, nhận điều chuyển.
    • Tài sản cố định được tặng cho, khuyến mại (bao gồm cả trường hợp nhà cung cấp đổi tài sản cũ bằng tài sản mới sau một thời gian sử dụng theo chính sách của nhà sản xuất/nhà cung cấp).
    • Tài sản cố định khi kiểm kê phát hiện thừa (chưa được theo dõi trên sổ kế toán).
    • Tài sản cố định đơn vị sự nghiệp công lập được nhận sau khi hết thời hạn liên doanh, liên kết theo quy định tại khoản 6 Điều 47 Nghị định 151/2017/NĐ-CP. (Đây là điểm mới bổ sung tại Thông tư 23)
    • Tài sản cố định được hình thành từ nguồn khác.

Thông tư 23/2023/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/06/2023 và được áp dụng từ năm tài chính 2023.

 

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên
Được hỗ trợ bởi Dịch