1. Công văn số 1684/TCT-CS ngày 24/5/2021 hướng dẫn về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)
Theo quy định tại văn bản pháp luật thuế TNDN hiện hành, thu nhập của doanh nghiệp từ hoạt động chế biến nông sản, thủy sản phát sinh tại địa bàn kinh tế xã hội không thuộc địa bàn kinh tế xã hội khó khăn hoặc không thuộc địa bàn kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn được áp dụng thuế suất thuế TNDN 15% nếu đáp ứng điều kiện tỷ lệ giá trị nguyên vật liệu đầu vào (là các nông sản, thủy sản chưa qua chế biến hoặc là các nông sản, thủy sản mới qua sơ chế thông thường) chiếm từ 30% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên và sản phẩm chế biến không thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Trường hợp sản phẩm chỉ qua sơ chế thì không được hưởng ưu đãi thuế TNDN đối với thu nhập từ hoạt động chế biến nông sản, thủy sản.
Về trường hợp doanh nghiệp đáp ứng nhiều điều kiện ưu đãi thuế TNCN đối với cùng một khoản thu nhập thì doanh nghiệp được lựa chọn áp dụng mức ưu đãi thuế có lợi nhất tương ứng với một điều kiện ưu đãi căn cứ quy định tại khoản 12 Điều 1 Luật thuế TNDN số 32/2013/QH13, Bộ Tài chính đã có công văn số 3091/BTC/TCT ngày 08/3/2017 gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (photo kèm theo).
2. Công văn số 1778/TCT-CS ngày 28/5/2021 về chính sách hoàn lệ phí trước bạ xe do mua bán không thành
Trường hợp Hợp tác xã mua xe ô tô vận tải hàng đã qua sử dụng, thực hiện lập hóa đơn, chứng từ mua bán theo quy định của pháp luật đã nộp hồ sơ khai lệ phí trước bạ và nộp tiền vào ngân sách theo thông báo của cơ quan thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, không phát sinh số tiền lệ phí trước bạ nộp thừa.
Khi bên mua nhận xe không đảm bảo chất lượng kỹ thuật, nên hai bên làm thủ tục hoàn trả lại xe, không phải theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cho nên không có căn cứ pháp luật để hoàn trả lệ phí trước bạ đã nộp vào ngân sách theo quy định của Pháp luật.
3. Công văn số 1784/TCT-CS ngày 28/5/2021 về chính sách thuế TNDN với trường hợp di chuyển địa điểm sản xuất kinh doanh.
Ưu đãi miễn, giảm thuế TNDN xác định khi doanh nghiệp thực hiện khai quyết toán thuế phù hợp với kỳ tính thuế của doanh nghiệp. Trường hợp trong năm tính thuế mà doanh nghiệp không đáp ứng các điều kiện ưu đãi thuế TNDN theo quy định thì doanh nghiệp không được hưởng ưu đãi trong năm tính thuế đó mà phải nộp thuế TNDN theo mức thuế suất phổ thông và năm đó sẽ tính trừ vào thời gian được hưởng ưu đãi thuế TNDN của doanh nghiệp.
Theo đó, trường hợp Công ty Response Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo điều kiện là dự án đầu tư thực hiện tại KCN, tháng 9/2016 Công ty thực hiện di chuyển địa điểm thực hiện dự án đến cụm công nghiệp khác thì từ năm 2016 Công ty không còn đáp ứng điều kiện là dự án đầu tư thực hiện tại KCN, do đó công ty không được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo điều kiện dự án đầu tư thực hiện tại KCN.
Như vậy, về chính sách thuế TNDN đối với trường hợp di chuyển địa điểm thực hiện dự án của Công ty, Cục Thuế tỉnh Bình Dương đã có công văn số 26154/CT-TTHT ngày 20/11/2020 trả lời Công ty. Đề nghị Công ty căn cứ tình hình thực tế tại đơn vị và liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được hướng dẫn cụ thể.
4. Công văn số 1838/TCT-CS ngày 31/5/2021 về khoản phí hỗ trợ giá
Trường hợp Công ty TNHH Cỏ May Lai Vung ký hợp đồng bảo đảm giá cả với khách hàng là người nuôi cá và có thu khoản phí bảo đảm giá là 2.000 đồng/1kg cá thì khoản phí bảo đảm giá cả không thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, Công ty phải xuất hóa đơn GTGT, kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định khi thu khoan phí bảo đảm giá cả nêu trên. Đối với khoản chi hỗ trợ giá cả trực tiếp cho người nuôi cá, đề nghị Cục Thuế căn cứ Hợp đồng bảo đảm giá cả của đơn vị, nếu khoản chi này đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 của Bộ Tài chính (sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC) về thuế Thu nhập doanh nghiệp thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp khi có đầy đủ hóa đơn, chứng từ và thanh toán theo quy định.
5. Công văn số 1932/TCT-CS ngày 3/6/2021 về việc phân bổ thu nhập ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp
Khoản 6 Điều 1 Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 1/10/2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 16 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP như sau:
“3. Miễn thuế 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư mới quy định tại Khoản 3 Điều 15 Nghị định này và thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại khu công nghiệp (trừ khu công nghiệp nằm trên địa bàn có điều kiện – kinh tế xã hội thuận lợi) .
Địa bàn có điều kiện – kinh tế xã hội thuận lợi quy định tại khoán này là các quận nội thành của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc trung ương và các đô thị loại I trực thuộc tỉnh, không bao gồm các quận của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc trung ương và các đô thị loại I trực thuộc tỉnh mới được thành lập từ huyện kể từ ngày 01/01/2009, trường hợp khu công nghiệp nằm trên cả địa bàn thuận lợi và địa bàn không thuận lợi thì việc xác định ưu đãi thuế đối với khu công nghiệp căn cứ vào vị trí thực tế của dự án đầu tư trên thực địa. Việc xác định đô thị loại đặc biệt, loại I quy định tại Khoản này thực hiện theo quy định của Chính phủ quy định về phân loại đô thị.”
Căn cứ quy định trên, trường hợp khu công nghiệp nằm trên cả địa bàn thuận lợi và địa bàn không thuận lợi thì việc xác định ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư tại khu công nghiệp căn cứ vào vị trí thực tế của dự án đầu tư trên thực địa.
6. Thông tư 43/2021/TT-BTC ngày 11/6/2021 sửa đổi, bổ sung khoản 11 Điều 10 Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn Luật Thuế GTGT liên quan đến dụng cụ, thiết bị y tế chịu thuế suất thuế GTGT 5%
Theo đó, các loại hàng hóa, vật tư y tế thuộc danh mục chịu thuế GTGT 5 % trước đây được xác định theo xác nhận của Bộ Y tế thì nay thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 14/2018/TT-BYT, cụ thể khi có một trong các loại giấy tờ sau đây:
– Giấy phép nhập khẩu;
– Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành;
– Phiếu tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn theo quy định pháp luật về y tế;
– Theo Danh mục trang thiết bị y tế thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế được xác định mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư 14/2018/TT-BYT và văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).
Thông tư 43/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/8/2021.
7. Thông tư 40/2021/TT-BTC về thuế GTGT, thuế TNCN và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh
Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thuộc trường hợp không phải nộp thuế giá trị gia tăng và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân.
Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế theo quy định.
Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo hình thức nhóm cá nhân, hộ gia đình thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế giá trị gia tăng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân được xác định cho 1 người đại diện duy nhất của nhóm cá nhân, hộ gia đình trong năm tính thuế.
Thông tư quy định rõ, tỷ lệ thuế tính trên doanh thu gồm tỷ lệ thuế giá trị gia tăng và tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân áp dụng chi tiết đối với từng lĩnh vực, ngành nghề theo hướng dẫn.
Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoạt động nhiều lĩnh vực, ngành nghề thì hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện khai và tính thuế theo tỷ lệ thuế tính trên doanh thu áp dụng đối với từng lĩnh vực, ngành nghề.
Nếu hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu tính thuế của từng lĩnh vực, ngành nghề hoặc xác định không phù hợp với thực tế kinh doanh thì, thông tư nêu rõ cơ quan thuế thực hiện ấn định doanh thu tính thuế của từng lĩnh vực, ngành nghề theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.