I. GIA HẠN THỜI HẠN NỘP THUẾ GTGT, THUẾ TNDN, THUẾ TNCN VÀ TIỀN THUÊ ĐẤT TRONG NĂM 2023
Ngày 14/04/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 12/2023/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023 cụ thể như sau:
(Về đối tượng được gia hạn được quy định tại Điều 3 Nghị định 12/2023/NĐ-CP)
▪ Thuế giá trị gia tăng (trừ thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu)
Gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế giá trị gia tăng phát sinh phải nộp (bao gồm cả số thuế phân bổ cho các địa phương cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính, số thuế nộp theo từng lần phát sinh) như sau:
Kỳ tính thuế được gia hạn | Thời hạn chậm nhất phải nộp |
Kỳ tính thuế tháng 3 năm 2023 | 20/10/2023 |
Kỳ tính thuế tháng 4 năm 2023 | 20/11/2023 |
Kỳ tính thuế tháng 5, 6, 7, 8 năm 2023 | 20/12/2023 |
Kỳ tính thuế quý I năm 2023 | 31/10/2023 |
Kỳ tính thuế quý II năm 2023 | 31/12/2023 |
▪ Thuế thu nhập doanh nghiệp
Thuế TNDN tạm nộp quý I và quý II năm 2023: gia hạn 03 tháng kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế TNDN theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Kỳ tính thuế được gia hạn Thời hạn chậm nhất phải nộp
Số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của quý I/2023 31/07/2023
Số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của quý II/2023 30/10/2023
▪ Thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh
Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện nộp số tiền thuế được gia hạn chậm nhất là ngày 30/12/2023.
▪ Tiền thuê đất
Gia hạn 06 tháng (từ 31/05/2023 đến 30/11/2023) đối với 50% số tiền phát sinh phải nộp năm 2023 của doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm.
Người nộp thuế thuộc đối tượng được gia hạn gửi Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất lần đầu hoặc thay thế khi phát hiện có sai sót (bằng phương thức điện tử; gửi bản giấy trực tiếp đến cơ quan thuế hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính) theo Mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 12/2023/NĐ-CP chocơ quan Thuế quản lý trực tiếp một lần cho toàn bộ số thuế, tiền thuê đất phát sinh trong các kỳ tính thuế được gia hạn cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế theo tháng (hoặc theo quý) theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Trường hợp Giấy đề nghị gia hạn không nộp cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế thì thời hạn nộp chậm nhất là ngày 30/09/2023.
Nghị định 12/2023/NĐ-CP có hiệu lực từngày 14/04/2023 đến ngày 31/12/2023.
03 ĐIỂM MỚI VỀ TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP (Nghị định 08/2023/NĐ-CP)
Ngày 05/03/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CPsửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Theo đó, ban hành nhiều quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, cụ thể như sau:
1. Có thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác
Doanh nghiệp phát hành trái phiếu có trách nhiệm thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn và thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) cho chủ sở hữu trái phiếu theo điều kiện, điều khoản của trái phiếu.
Đối với trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu bằng đồng Việt Nam theo phương án phát hành đã công bố cho nhà đầu tư theo quy định tại Điều 17 Nghị định 153/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác theo các nguyên tắc sau:
− Tuân thủ quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan. Đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đó.
− Phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận.
− Doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin bất thường và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sửdụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật.
(Trước đó, chỉ yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn và thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) cho chủ sở hữu trái phiếu theo điều kiện, điều khoản của trái phiếu.)
2. Cho phép doanh nghiệp được thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu
Theo Điều 2 Nghị định 08/2023/NĐ-CP(sửa đổi điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định 65/2022/NĐ-CP) cho phép doanh nghiệp được thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu. Cụ thể, việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
− Tuân thủ quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP.
− Trường hợp kéo dài kỳ hạn của trái phiếu thì thời gian tối đa không quá 02 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.
− Đối với người sở hữu trái phiếu không chấp thuận thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu thì doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm đàm phán để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư.
Trường hợp có người sở hữu trái phiếu không chấp thuận phương án đàm phán thì doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với người sở hữu trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư (kể cả trường hợp việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu đã được người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu trở lên chấp thuận).
3. Doanh nghiệp được kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm
Tại Điều 2 Nghị định 08/2023/NĐ-CPquy định về việc cho phép doanh nghiệp được thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu vừa nêu tại mục 2 đã đề cập đến trường hợp kéo dài kỳ hạn của trái phiếu thì thời gian tối đa không quá 02 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.
(Theo quy định trước đó tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP, doanh nghiệp không được thay đổi kỳ hạn của trái phiếu đã phát hành.)
Nghị định 08/2023/NĐ-CPcó hiệu lực từngày ký ban hành.
II. HƯỚNG DẪN CHÍNH SÁCH THUẾ TNDN VÀ THUẾ TNCN CHO HOẠT ĐỘNG BÁNHÀNG HÓA QUA HỆ THỐNG CÁC NHÀ PHÂN PHỐI
Ngày 20/03/2023, Tổng cục Thuế ban hành công văn số 786/TCT-CS hướng dẫn về chính sách thuế TNDN và TNCN cho hoạt động bán hàng hóa qua hệ thống các nhà phân phối cụ thể như sau:
▪ Về thuế TNDN:
Trường hợp Công ty không trực tiếp bán hàng hóa cho người tiêu dùng mà bán thông qua hệ thống cácnhà phân phối (mua hàng trực tiếp của Công ty) và điểm bán lẻ của nhà phân phối (mua hàng thông qua nhà phân phối); Công ty có chi hỗ trợ bằng tiền cho điểm bán lẻ thông qua nhà phân phối nếu điểm bán lẻ đạt sản lượng cam kết theo quy định của Công ty, ngoài ra Công ty còn chi hỗ trợ thưởng bằngtiền cho nhân viên bán hàng của nhà phân phối không phải là nhân viên của Công ty thì các khoản chi nêu trên không đủ cơ sở để xác định là khoản chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
▪ Về thuế TNCN:
Căn cứ quy định tại Thông tư số 111/2013/TT-BTCngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính, trường hợp Công ty trực tiếp trả thưởng cho người lao động của Nhà phân phối thì Công ty có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo quy định.
1. Xuất hóa đơn GTGT đối với hàng tạm nhập tái xuất (Công văn 27085/CTHN-TTHT ngày 25/04/2023 củaCục thuế Hà Nội)
Trường hợp Công ty có phát sinh hàng hóa là hàng tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu thì thuộc đối tượng không chịu thuế theo quy định tại Khoản 20 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính. Công ty thực hiện lập hóa đơn theo hướng dẫn tại Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, trên hóa đơn GTGT tại chỉ tiêu “thuế suất”, Công ty thể hiện là KCT (Không chịu thuế GTGT) theo hướng dẫn tại Quyết định số 1450/QĐ-TCT ngày 7/10/2021.
2. Thuế GTGT hàng xuất khẩu khi doanh nghiệp chỉ định cho doanh nghiệp khác thực hiện (Công văn 1146/CTBDI-TTHT ngày 10/04/2023 của Cục thuế Bình Định)
− Căn cứ khoản 2 Điều 9 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính (Thông tư 219) quy định điều kiện áp dụng thuế suất 0%:
Điều kiện áp dụng thuế suất 0%:
– Đối với hàng hoá xuất khẩu:
– Có hợp đồng bán, gia công hàng hoá xuất khẩu; hợp đồng uỷ thác xuất khẩu;
– Có chứng từ thanh toán tiền hàng hoá xuất khẩu qua ngân hàng và các chứng từkhác theo quy định của pháp luật;
– Có tờ khai hải quan theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư này.Riêng đối với trường hợp hàng hoá bán mà điểm giao, nhận hàng hoá ở ngoài Việt Nam, cơ sở kinh doanh (bên bán) phải có tài liệu chứng minh việc giao, nhận hàng hóa ở ngoài Việt Nam như: hợp đồng mua hàng hóa ký với bên bán hàng hoá ở nước ngoài; hợp đồng bán hàng hoá ký với bên mua hàng; chứng từ chứng minh hàng hóa được giao, nhận ở ngoài Việt Nam như: hóa đơn thương mại theo thông lệ quốc tế, vận đơn, phiếu đóng gói, giấy chứng nhận xuất xứ…; chứng từ thanh toán qua ngân hàng gồm: chứng từ qua ngân hàng của cơ sở kinh doanh thanh toán cho bên bán hàng hóa ở nước ngoài; chứng từ thanh toán qua ngân hàng của bên mua hàng hóa thanh toán cho cơ sở kinh doanh.”
− Căn cứ Điều 16 Thông tư 219 quy định điều kiện khấu trừ, hoàn thuế đầu vào của hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu.
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp như trình bày: Công ty TNHH MTV Penta Việt Nam có ký hợp đồng mua bán bazan, đá Granite quy cách đã qua cắt xẻ và các loại đá khác của Công ty A trong nước và bán cho khách hàng nước ngoài. Trên hợp đồng quy định, Công ty mua đá của Công ty A, Công ty A trực tiếp mở tờ khai xuất khẩu cho khách hàng nước ngoài do bên Công ty chỉ định, tiền hàng khách hàng thanh toán trực tiếp cho Công ty, sau đó Công ty sẽ thanh toán lại tiền hàng cho Công ty A bằng VND căn cứ vào hóa đơn Công ty A xuất cho Công ty, thì:
- Công ty TNHH MTV Penta Việt Nam và Công ty A không được áp dụng thuế suất 0% vì từng đơn vị không đáp ứng đủ 03 điều kiện theo khoản 2 Điều 9 Thông tư 219 nêu trên.
- Như vậy, để đáp ứng điều kiện áp dụng thuế suất 0% đối với hàng hóa xuất khẩu và điều kiện khấu trừ thuế đầu vào của hàng hóa xuất khẩu, đơn vị phải thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 9 và Điều 16 của Thông tư 219 nêu trên.
3. Chính sách thuế TNCN khi chấm dứt hợp đồng lao động (Công văn 6834/CTBDU-TTHT ngày 19/04/2023 của Cục thuếBình Dương)
Trường hợp nếu Công ty khi chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động và có chi trả các khoản tiền.
Cục Thuế hướng dẫn nguyên tắc như sau:
− Khoản tiền trợ cấp thôi việc phải trả cho người lao động theo quy định của Bộ Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN. Nếu với khoản trợ cấp thôi việc không đúng chế độ hoặc được nhận cao hơn mức quy định của pháp luật thì phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.
− Ngoài ra Công ty còn chi trả cho người lao động các khoản tiền theo thỏa thuận giữa Công ty và người lao động thì các khoản tiền này thuộc thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công. Nếu Công ty chi trả cùng với tiền lương tháng cuối cùng của người lao động làm việc thì Công ty có nghĩa vụ khấu trừ thuế TNCN theo biểu thuế lũy tiến từng phần trên tổng thu nhập chịu thuế theo hướng dẫn điểm b5 khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC.
− Nếu Công ty chi trả sau khi cá nhân cư trú đã chấm dứt hợp đồng lao động, không còn làm việc tại Công ty thì khi chi trả cho cá nhân Công ty tính khấu trừ thuế 10% trên tổng mức chi trả từ 2 triệu đồng trở lên.
4. Bù trừ lãi của hoạt động chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản với lỗ của hoạt động khai thác khoáng sản khi quyết toán thuế TNDN (Công văn 989/CTBDI-TTHT ngày 30/03/2023 của Cục thuế Bình Định)
Trường hợp theo trình bày Công ty TNHH Phú Hiệp trong năm 2022 có phát sinh thu nhập từ chuyển nhượng Quyền khai thác khoáng sản, tài sản của Dự án đầu tư (trong tài sản Dự án đầu tư chuyển nhượng không có tài sản là bất động sản), thì:
− Trường hợp Công ty trong kỳ tính thuế có lãi từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản thì phải hạch toán riêng để kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với mức thuế suất 20%, không được bù trừ với số lỗ của hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty;
− Đối với thu nhập từ chuyển nhượng Quyền khai thác khoáng sản và tài sản của Dự án đầu tư (không có tài sản là bất động sản) thì được bù trừ với số lỗ của hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty.