1. Áp dụng hóa đơn điện tử tại 6 tỉnh, thành
Tại Công văn 10847 của Bộ Tài chính đã phê duyệt lộ trình triển khai theo 2 giai đoạn:
- Giai đoạn 1 (từ tháng 11/2021 – 3/2022): triển khai tại 6 tỉnh, thành sau đây:
– Hà Nội theo Quyết định 1830/QĐ-BTC ngày 20/9/2021.
– Tp.Hồ Chí Minh theo Quyết định 1832/QĐ-BTC ngày 20/9/2021
– Hải Phòng theo Quyết định 1839/QĐ-BTC ngày 20/9/2021.
– Phú Thọ theo Quyết định 1838/QĐ-BTC ngày 20/9/2021.
– Quảng Ninh theo Quyết định 1833/QĐ-BTC ngày 20/9/2021
– Bình Định theo Quyết định 1831/QĐ-BTC ngày 20/9/2021.
- Giai đoạn 2 (từ tháng 4/2022 đến tháng 7/2022): triển khai cho 57 tỉnh, thành còn lại.
Do đó, để thực hiện hiệu quả hóa đơn điện tử theo các quy định mới các doanh nghiệp tại các 06 tỉnh, thành phố nêu trên cần đặc biệt lưu ý về việc thí điểm áp dụng hóa đơn điện tử từ tháng 11/2021 theo quy định của Nghị định 123/2020/NĐ-CP và Thông tư 78/2021/TT-BTC.
Trên cả nước, từ ngày 01/7/2022, hóa đơn điện tử chính thức được áp dụng.
Lưu ý:
- Khi đã ban hành quyết định triển khai tức là đã bắt buộc chuyển đổi hóa đơn điện tử trong giai đoạn 1 tại 06 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bình Định.
- Nhưng không phải là bắt buộc ngay từ 01/11/2021 phải chuyển đổi hết cho 06 tỉnh, thành trên mà sẽ triển khai dần từ tháng 11/2021 đến tháng 04/2022 và có văn bản hướng dẫn cụ thể của Tổng Cục thuế.
2. Cách viết hóa đơn khi được giảm thuế GTGT từ 01/11/2021
Trường hợp tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ
- Khi lập hoá đơn giá trị gia tăng cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng, tại dòng thuế suất thuế giá trị gia tăng ghi “mức thuế suất theo quy định (5% hoặc 10%) x 70%”; tiền thuế giá trị gia tăng; tổng số tiền người mua phải thanh toán;
Trường hợp tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu
- Khi lập hoá đơn bán hàng cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng, tại cột “Thành tiền” ghi đầy đủ tiền hàng hóa, dịch vụ trước khi giảm, tại dòng “Cộng tiền hàng hóa, dịch vụ” ghi theo số đã giảm 30% mức tỷ lệ trên doanh thu, đồng thời ghi chú: “đã giảm… (số tiền) tương ứng 30% mức tỷ lệ để tính thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15”.
3. Hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp với cơ sở thực hiện xã hội hóa chưa truy thu
Thông tư 71/2021/TT-BTC hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa chưa truy thu theo Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 25/5/2014, có hiệu lực thi hành, có hiệu lực từ ngày 01/11/2021.
Cơ sở thực hiện xã hội hóa (gọi tắt là Cơ sở) thành lập trước ngày 22/07/2016, có thu nhập từ hoạt động xã hội hóa, có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:
(1) Cơ sở được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho thời gian còn lại theo quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp kể từ khi đáp ứng đủ điều kiện theo các quyết định của Thủ tướng trong từng thời kỳ bao gồm:
- Quyết định 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008.
- Quyết định 693/QĐ-TTg ngày 06/5/2013.
- Quyết định 1470/QĐ-TTg ngày 22/7/2016.
(2) Cơ sở không đáp ứng các điều kiện theo quy định tại các Quyết định trên thì thực hiện kê khai bổ sung số thuế thu nhập doanh nghiệp còn thiếu (nếu có), tự tính số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp hoặc cơ quan thuế thực hiện truy thu đến thời điểm đáp ứng điều kiện tại các Quyết định nêu trên.
Cơ sở trên nếu có thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh tại mục (2) thì không bị phạt vi phạm pháp luật về thuế và không tính tiền chậm nộp tính trên số tiền thu nhập doanh nghiệp tạm thời chưa truy thu cho đến 1/11/2021.
Từ ngày 02/11/2021, Cơ sở chưa nộp số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm thời chưa thu thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế chưa nộp và xử phạt vi phạm pháp luật về thuế (nếu có).
4. Chính thức miễn, giảm thuế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu tác động bởi dịch COVID-19
Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 về thuế giá trị gia tăng (GTGT) như sau:
4.1 Giảm thuế giá trị gia tăng đối với nhiều hàng hóa, dịch vụ
Trong đó, từ ngày 01/11/2021 – hết 31/12/2021, giảm thuế giá trị gia tăng đối với các hàng hóa, dịch vụ sau đây:
(1) Các nhóm dịch vụ ăn uống, lữ hành…, gồm:
- Dịch vụ vận tải (vận tải đường sắt, vận tải đường thủy, vận tải hàng không, vận tải đường bộ khác);
- Dịch vụ lưu trú;
- Dịch vụ ăn uống;
- Dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch.
(2) Nhóm dịch vụ về nghệ thuật, giái trí…, gồm:
- Sản phẩm và dịch vụ xuất bản;
- Dịch vụ điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc;
- Tác phẩm nghệ thuật và dịch vụ sáng tác, nghệ thuật, giải trí;
- Dịch vụ của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác;
- Dịch vụ thể thao, vui chơi và giải trí.
Lưu ý: Hàng hóa, dịch vụ trong nhóm (2) không bao gồm phần mềm xuất bản và các hàng hóa, dịch vụ sản xuất, kinh doanh theo hình thức trực tuyến.
Tùy thuộc vào phương pháp tính thuế, mức giảm thuế giá trị gia tăng được áp dụng như sau:
- Doanh nghiệp, tổ chức tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản này được giảm 30% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng;
- Doanh nghiệp, tổ chức tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản này được giảm 30% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng.
4.2 Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)
Theo Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) như sau:
4.2.1 Đối tượng áp dụng
Chính sách này áp dụng với tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh có thu nhập chịu thuế (gọi chung là DN ) gồm:
(1) Doanh nghiệp được thành lập theo quy định pháp luật Việt Nam.
(2) Tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã.
(3) Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định pháp luật Việt Nam.
(4) Tổ chức khác được thành lập theo quy định pháp luật Việt Nam có hoạt động sản xuất kinh doanh có thu nhập.
4.2.2 Điều kiện và mức giảm thuế TNDN
Giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019 (Tiêu chí này không áp dụng đối với trường hợp người nộp thuế mới thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách trong kỳ tính thuế năm 2020, năm 2021).
4.3 Miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và các loại thuế khác
Theo Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 về thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và các loại thuế khác như sau:
Miễn thuế TNCN, thuế GTGT và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong quý III và quý IV/2021 đối với hộ, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch COVID-19 trong năm 2021 do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định. Không áp dụng việc miễn thuế đối với các khoản thu nhập, doanh thu từ cung cấp sản phẩm và dịch vụ phần mềm; sản phẩm và dịch vụ nội dung thông tin số về giải trí, trò chơi điện tử, phim số, ảnh số, nhạc số; quảng cáo số.
4.4 Miễn tiền chậm nộp
Theo Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 về miễn tiền chậm nộp như sau:
Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020, 2021 của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với doanh nghiệp phát sinh lỗ trong năm 2020. Không áp dụng quy định này đối với các trường hợp đã nộp tiền chậm nộp.
5. Công văn số 4175/TCT-KK ngày 01/11/2021 về hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu
Kỳ kê khai thuế GTGT tháng 7/2021, tháng 8/2021 có phát sinh doanh thu của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu và có số thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu chưa khấu trừ hết nếu nhỏ hơn 300 triệu đồng thì Công ty không đủ điều kiện hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định nêu trên.
Đối với số thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ mua vào tại kỳ kê khai tháng 9/2021 mà không phát sinh doanh thu xuất khẩu thì không được hoàn thuế GTGT.
6. Công văn số 4325/TCT-CS ngày 9/11/2021 về chi phí được trừ khi tính thuế TNDN
Trường hợp Công ty có hoạt động sản xuất kinh doanh đã ghi nhận doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng chưa phát sinh đầy đủ chi phí thì được trích trước các khoản chi phí theo quy định vào chi phí được trừ tương ứng với doanh thu đã ghi nhận khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Khi kết thúc hợp đồng, Công ty phải tính toán xác định chính xác số chi phí thực tế căn cứ các hoá đơn, chứng từ hợp pháp thực tế đã phát sinh để điều chỉnh tăng chi phí (trường hợp chi phí thực tế phát sinh lớn hơn số đã trích trước) hoặc giảm chi phí (trường hợp chi phí thực tế phát sinh nhỏ hơn số đã trích trước) vào kỳ tính thuế kết thúc hợp đồng.
Đối với khoản trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi, theo thỏa thuận giữa các bên, sau khi các khoản nợ tạm ứng được chuyển tính nợ phải thu thì mới thực hiện trích lập dự phòng theo quy định tại Thông tư số 48/2019/TT-BTC ngày 8/8/2019 của Bộ Tài chính. Các khoản trích lập dự phòng đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Thông tư số 48/2019/TT-BTC ngày 8/8/2019 thì được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.
7. Thời hạn nộp hồ sơ nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 116
Theo Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, sau khi nhận được danh sách người lao động đủ điều kiện nhận hỗ trợ do cơ quan bảo hiểm xã hội gửi, mà thấy cần phải điều chỉnh thông tin, thì muộn nhất đến hết ngày 10/11/2021, các doanh nghiệp phải hoàn thành việc điều chỉnh thông tin để gửi lại danh sách cho cơ quan bảo hiểm xã hội, kèm theo hồ sơ chứng minh thông tin điều chỉnh theo quy định.
Trong vòng 20 ngày kể từ ngày nhận được danh sách điều chỉnh, tức vào khoảng 30/11/2021, cơ quan bảo hiểm xã hội phải chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động tại doanh nghiệp.
Trường hợp người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp sau ngày 30/11/2021 vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ thì phải tự làm thủ tục thông qua ứng dụng VssID, qua Cổng dịch vụ công của BHXH Viiệt Nam hoặc đến trực tiếp cơ quan bảo hiểm xã hội, như đối với trường hợp người lao động đã nghỉ việc, dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
8. Chính phủ gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước
Thời gian gia hạn kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, cụ thể như sau:
Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 10 năm 2021 chậm nhất là ngày 20/12/2021.
Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 11 năm 2021 chậm nhất là ngày 30/12/2021.
Trường hợp người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế được gia hạn dẫn đến làm tăng số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp và gửi đến cơ quan thuế trước khi hết thời hạn nộp thuế được gia hạn thì số thuế được gia hạn bao gồm cả số thuế phải nộp tăng thêm do khai bổ sung.
Trường hợp người nộp thuế thuộc đối tượng được gia hạn thực hiện kê khai, nộp Tờ khai thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật hiện hành thì chưa phải nộp số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh trên Tờ khai thuế tiêu thụ đặc biệt đã kê khai.
Trường hợp doanh nghiệp có các chi nhánh, đơn vị trực thuộc thực hiện khai thuế tiêu thụ đặc biệt riêng với cơ quan thuế quản lý trực tiếp của chi nhánh, đơn vị trực thuộc thì các chi nhánh, đơn vị trực thuộc cũng thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt. Trường hợp chi nhánh, đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp không có hoạt động sản xuất hoặc lắp ráp ô tô thì chi nhánh, đơn vị trực thuộc không thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 4/12/2021. Sau thời gian gia hạn theo Nghị định này, việc nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước được thực hiện theo quy định hiện hành.